Trong một thị trấn nhỏ, nơi những con đường uốn lượn quanh co và hàng tre xanh ngắt trải dài, có một doanh nghiệp nhỏ tên là LHQ, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre và nứa. Đây là nguồn sống chính của khoảng năm mươi gia đình, nơi mà công việc khác không dễ tìm, và mỗi sản phẩm bán ra đều mang dấu ấn tay nghề và truyền thống địa phương. Những mặt hàng của LHQ từng là niềm tự hào của thị trấn, có mặt ở nhiều địa phương, được yêu thích bởi sự tỉ mỉ và chất lượng.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế có nhiều điều chỉnh, LHQ gặp phải khó khăn lớn. Đơn hàng giảm sút khi khách hàng cắt giảm chi tiêu, và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất lên mức không còn khả thi, truyền thông đến với thị trường mới chưa được đầu tư đúng mức. Chủ doanh nghiệp, bà Lan, đã cố gắng hết sức để duy trì hoạt động, nhưng bà biết rằng mình cần một khoản vốn để cải tiến máy móc, đổi mới sản phẩm để thích ứng với thị trường, và truyền thông giữ khách hàng cũ và tìm khách hàng mới.
Bà Lan đã liên hệ với nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính để vay vốn, nhưng mỗi lần đều nhận về sự từ chối. Lý do thường khá là đa dạng, phong phú, hoặc phải áp dụng một bài biện pháp nghiệp vụ, hoặc lãi suất quá cao. Điều này khiến bà cảm thấy vô cùng bất lực và tuyệt vọng, vì không chỉ việc của bà bị đe dọa mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của tất cả nhân viên và gia đình họ. Có cả những người khuyết tật, và con cái họ hành đều trông chờ vào thu nhập khá tốt từ công ty.
Bà dày mặt đi hỏi nhiều người, nhiều nơi. Nhưng tất cả đều quay đi, hoặc một cái hẹn mà chả biết đến khi nào mới thực hiện : ờ thì giờ tao cũng khó, để thư thư nhé. Cứ an tâm.
Có nơi, xưa họp lớp, bà đã hào phóng tài trợ hàng chục triệu đồng. Nơi, khi cần tiền mua máy móc thiết bị y tế, bà đã không tiếc công sức lên tuyến trên, nhờ người chọn lựa, lại tài trợ đến nửa già. Nơi thì ốm đau bệnh tật, bà gọi xe tận nhà tận viện, thuê người hỗ trợ tận tình chu đáo. Giờ gọi người nghe, người không.
Buồn hơn nữa, cả họ hàng của bà xưa chị chị em em, giờ cũng xì xào, bàn tán, nói ra nói vào với khuôn mặt hả hê, cười nói lạnh lùng, đi lại ngó nghiêng xét nét.

Ở gia đình, bữa cơm nguội ăn dở một nửa, chú chó bình thường quấn chủ là thế, nay cũng khép nép chui trong góc nhà, lo lắng.
Trên gương mặt bà, những nếp nhăn tựa như những dòng sông nhỏ chảy xuôi theo những ưu tư, lo lắng không biết ngày mai doanh nghiệp sẽ ra sao. Bà ngồi bệt xuống ghế, tay chống cằm, ánh mắt trống rỗng nhìn ra ngoài cửa sổ, tâm trí mông lung không biết đâu là lối thoát cho cả một đời lao động. Bà tự hỏi, liệu phải chăng mình đã sai lầm ở đâu, khi mà bao nhiêu năm cố gắng xây dựng doanh nghiệp, sống tốt đời tốt việc, giờ chỉ còn là mớ hỗn độn không lối thoát. Bà không ngại về bản thân, chắc chắn với thời gian, bà sẽ gây dựng lại được. Nhưng đó là sau này, giờ còn cả mấy trăm miệng ăn trông chờ vào cơ ngơi của bà…Xưa, nói bà tham việc, nhưng mọi người có hiểu, bà dừng việc là cả cái nơi này xao xác.
Hơn 50 lao động trực tiếp, hàng trăm lao động gián tiếp, cung cấp nguyên vật liệu sẽ phải nghỉ làm. Và tại sao, nhiều người lại đối xử với bà như vậy, kể cả những người thân yêu?
Bà buồn, bà đau, bà phẫn uất.
Mà, số tiền bà cần, có phải là lớn lắm đâu. Chỉ bằng một phần cái số tiền mà cộng đồng mạng nhanh tay gom góp từ thiện cho một đối tượng chả rõ ràng, chả mang lại lợi ích xã hội như bà, chả nuôi sống hàng trăm con người như bà.
Ủ rũ đến nửa đêm, bà đứng dậy, uống một ngụm Hoa Lệ cho dễ ngủ. Thư thả một hai hôm, bà sẽ lên huyện, lâu lắm rồi bà chưa nói chuyện với các con bởi chúng học xa…
Discussion about this post